Nhận thức (tiếng Anh: cognition) là hành động hay quá trình tiếp thu kiến thức và những am hiểu thông qua suy nghĩ, kinh nghiệm và giác quan, bao gồm các qui trình như tri thức, sự chú ý, trí nhớ, sự đánh giá, sự ước lượng, sự lí luận, sự tính toán, việc giải quyết vấn đề, việc đưa ra quyết định, sự lĩnh hội và việc sử dụng ngôn ngữ. Theo "Từ điển Bách khoa Việt Nam", nhận thức là quá trình biện chứng của sự phản ánh thế giới khách quan trong ý thức con người, nhờ đó con người tư duy và không ngừng tiến đến gần khách thể. Theo quan điểm triết học Mác-Lênin, nhận thức được định nghĩa là quá trình phản ánh biện chứng hiện thực khách quan vào trong bộ óc của con người, có tính tích cực, năng động, sáng tạo, trên cơ sở thực tiễn.[1].



Sự nhận thức của con người vừa ý thức, vừa vô thức, vừa cụ thể, vừa trừu tượng và mang tính trực giác. Quá trình nhận thức sử dụng tri thức có sẵn và tạo ra tri thức mới.

Các qui trình được phân tích theo các góc nhìn khác nhau ở tùy các lĩnh vực khác nhau như ngôn ngữ học, gây mê, thần kinh học, tâm thần học, tâm lý học, giáo dục, triết học, nhân loại học, sinh học, logic và khoa học máy tính. Trong tâm lý học và triết học, khái niệm về nhận thức liên quan chặt chẽ đến các khái niệm trừu tượng như trí óc và trí tuệ, bao gồm các chức năng tâm thần, các quá trình tâm thần (tâm trí) và các trạng thái của các thực thể thông minh (như cá nhân, nhóm, tổ chức, máy tự động cao cấp và trí tuệ nhân tạo).

Cách sử dụng khái niệm này khác nhau trong từng ngành học. Ví dụ như trong tâm lý học và khoa học nhận thức, "nhận thức" thường đề cập đến việc các chức năng tâm lý của một cá nhân xử lý thông tin. Nó còn được sử dụng trong một nhánh của tâm lý học xã hội - ý thức xã hội, để giải thích về những thái độ, sự phân loại và động lực nhóm. Trong tâm lý học nhận thức và kỹ thuật nhận thức, "nhận thức" thông thường được coi là quá trình xử lý thông tin của tâm trí người tham gia hay người điều hành hoặc của bộ não.

Nguồn: wikipedia

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top